NHỮNG ĐIỂM MỚI ĐÁNG CHÚ Ý TRONG NGHỊ ĐỊNH 122/2021/NĐ-CP VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ CHÍNH
Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
1. Mở rộng phạm vi điều chỉnh:
Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về vi phạm quy định trong lĩnh vực đầu tư; đấu thầu; đăng ký doanh nghiệp; quy hoạch.
So với Nghị định 50/2016/NĐ-CP, Nghị định 122/2021/NĐ-CP đã bổ sung các hành vi trong lĩnh vực: đầu tư theo phương thức PPP; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; quy hoạch; đồng thời nâng mức xử phạt tối đa của nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực KH&ĐT để đảm bảo phù hợp thực tế, đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm.
2. Thêm quy định về mức phạt, thời hiệu và thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
– Quy định về Mức phạt tiền tại Điều 4:
• Trong lĩnh vực đầu tư là 300.000.000 đồng;
• Trong lĩnh vực đấu thầu là 300.000.000 đồng;
• Trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100.000.000 đồng;
• Trong lĩnh vực quy hoạch là 500.000.000 đồng.
Mức phạt này áp dụng với tổ chức, đối với cá nhân có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng ½ số tiền nêu trên
– Thời hiệu và thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 5 Chương I, quy định chung.
• Trong lĩnh vực đầu tư, đấu thầu, đăng ký doanh nghiệp: 01 năm
• Trong lĩnh vực quy hoạch: 02 năm
3. Quy định cụ thể về hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu:
Trong lĩnh vực đấu thầu, Nghị định có 7 điều (từ Điều 32 đến Điều 38) để quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. So với Nghị định 50/2016/NĐ-CP, Nghị định 122/2021/NĐ-CP đã bổ sung một số hành vi vi phạm như: đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu quá thời gian quy định hoặc không thực hiện đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu; áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu và loại hợp đồng không phù hợp với quy mô, tính chất gói thầu; đăng tải hồ sơ mời thầu (HSMT) không thống nhất với nội dung đã được phê duyệt; phát hành HSMT, hồ sơ yêu cầu không đủ điều kiện theo quy định; yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu theo quy định; không gửi thông báo đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật hoặc thông báo không nêu rõ hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về đấu thầu…
4. Tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm của doanh nghiệp:
Đối với các hành vi vi phạm đã được quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP thì mức xử phạt vi phạm được quy định tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP. Đối với các hành vi vi phạm đã được quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP và được kế thừa thì mức xử phạt vi phạm được quy định tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP đều cao hơn nhằm tăng cường tính răn đe.
VD: Đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký
• Khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
• Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP đã tăng mức phạt này lên 100.000.000 đồng.
5. Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong dự án đầu tư có sử dụng đất:
Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Các hành vi vi phạm gồm:
• Vi phạm quy định về lập, phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất (phạt tối đa 30.000.000 đồng);
• Vi phạm quy định về HSMT, hồ sơ yêu cầu (phạt tối đa 50.000.000 đồng);
• Vi phạm quy định về tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất (phạt tối đa 150.000.000 đồng);
• Vi phạm về hợp đồng lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (phạt tối đa 70.000.000 đồng).
Cuối cùng, các quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong Nghị định 122/2021/NĐ-CP được quy định rõ ràng, cụ thể, dễ áp dụng trong thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt trong quá trình thực hiện.(ST)