VỐN ĐIỀU LỆ LÀ GÌ? QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ VỐN ĐIỀU LỆ NHƯ THẾ NÀO?

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất khi tiến hành thành lập công ty là đăng ký vốn điều lệ của công ty. Tuy nhiên, nhiều bạn băn khoăn là: Vốn điều lệ là gì? Thành lập công ty phải cần bao nhiêu vốn? Mức vốn điều lệ tối thiểu hoặc tối đa khi thành lập công ty là bao nhiêu. Trong bài viết này, VNconnect sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc liên quan đến vốn điều lệ của công ty.

1. CĂN CỨ PHÁP LÝ
 Luật doanh nghiệp 2020;
 Nghị định 122/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
 Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp 2020.
2. VỐN ĐIỀU LỆ LÀ GÌ?
Theo quy định tại khoản 34 điều 4 Luật doanh nghiệp 2020:
“Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.”.

3. GÓP VỐN ĐIỀU LỆ CÔNG TY BẰNG NHỮNG LOẠI TÀI SẢN NÀO?
Loại tài sản góp vốn theo Điều 34 Luật doanh nghiệp 2020 được quy định như sau:
“1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, vốn điều lệ tại thời điểm đăng ký thành lập công ty là mức vốn mà thành viên công ty hoặc cổ đông công ty cam kết góp và được ghi nhận trong điều lệ của công ty.
Luật doanh nghiệp năm 2020 không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu hoặc tối đa khi thành lập doanh nghiệp mà tùy vào khả năng kinh tế của thành viên công ty, mục đích hoạt động và nhu cầu thực tế của công ty để quyết định mức vốn điều lệ cụ thể. Khi quyết định thành lập doanh nghiệp, thành viên công ty nên xác định vốn điều lệ dựa trên các cơ sở sau:
• Khả năng tài chính của mình;
• Phạm vi, quy mô hoạt động, ngành nghề kinh doanh của công ty;
• Chi phí hoạt động thực tế của công ty sau khi thành lập (vì vốn điều lệ của công ty để sử dụng cho các hoạt động của công ty sau khi thành lập);
Mặc dù việc góp vốn thành lập công ty không cần phải chứng minh khi nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp nhưng pháp luật lại quy định về thời hạn góp đủ vốn đối với doanh nghiệp mới thành lập là 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hết thời hạn trên mà công ty chưa góp đủ số vốn đã đăng ký thì phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh để điều chỉnh lại số vốn điều lệ theo số vốn thực tế mà doanh nghiệp đã góp. Nếu không làm thủ tục thay đổi vốn trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
4. XỬ LÝ VI PHẠM LIÊN QUAN VỐN ĐIỀU LỆ NHƯ THẾ NÀO?
Căn cứ theo Nghị định 122/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, mức xử phạ vi phạm về khai vốn điều lệ như sau:
“Điều 47. Vi phạm về kê khai vốn điều lệ
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.
4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.
5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.”

Developed by iColor Branding
Chat qua Facebook
Chat qua Zalo
Gọi ngay 0975 587 586